Bệnh giun đũa ở bê nghé

Bệnh giun đũa bê nghé

1. Thông tin chung

Bệnh được truyền từ mẹ sang con qua bào thai, do một loài giun tròn giống chiếc đũa gây ra. Giun cái trưởng thành ký sinh trong ruột non bê nghé đẻ trứng theo phân ra ngoài, gặp điều kiện thích hợp như nhiệt độ, ẩm độ trứng phát triển thành trứng có khả năng gây bệnh. Bê nghé ăn phải thức ăn hay uống nước có trứng giun đũa sẽ mắc bệnh.

2. Triệu chứng

Trong thời kỳ còn là ấu trùng, giun đũa di hành làm tổn thương một số cơ quan trong cơ thể như khí quản, phổi, gan. Khi giun đũa trưởng thành ở ruột non, nếu quá nhiều giun sẽ làm tắc ruột hay thủng ruột hoặc giun chui vào ống mật. Mặt khác giun đũa còn tiết các chất độc làm bê nghé bị trúng độc dẫn đến ỉa chảy, bê nghé gầy sút nhanh.

Bệnh xảy ra phổ biến ở bê nghé từ 11-30 ngày tuổi, bê nghé thường chết vào ngày thứ 7-16 sau khi phát bệnh. Bê nghé ủ rủ, lù xù, chậm chạp đầu cúi, lưng cong, đuôi cụp, lúc đầu còn theo mẹ, khi bệnh nặng nghé bỏ bú, không theo mẹ nằm một chỗ thở yếu, đau bụng nằm ngửa giãy dụa, đạp chân lên phía trước bụng, có khi nghe rõ tiếng sôi bụng. Bê, nghé gầy sút nhanh chóng, da khô, lông dựng, mắt lờ đờ, niêm mạc nhợt nhạt, mũi khô, hơi thở thối.

Phân mầu trắng, mùi rất thối, con vật ỉa chảy nặng, ỉa vọt cần câu, phân dính ở khuỷu chân và xung quanh hậu môn. Có thể xem đây là một triệu chứng điển hình giúp cho việc chẩn đoán xác định bệnh giun đũa bê nghé.

Ỉa vọt cần câu, phân dính ở khuỷu chân và xung quanh hậu môn là triệu chứng điển hình

3. Điều trị

Dùng Mevebet với liều 0,5gr/kg thể trọng cho uống vào 2 buổi sáng.

Piperazin với liều 0,3 – 0,5gr/kg thể trọng trộn lẫn với thức ăn hay hoà vào nước cho uống.

Sulfat đồng1% với liều 2ml/kg thể trọng cho uống.

Phenolthiazin với liều 0,05g/kg thể trọng uống 2 lần trong ngày, uống 2 ngày liền.

Tetramysol với liều 10mg/kg thể trọng. Cho uống sau khi bê nghé đã bú hoặc ăn.

 Dùng Levamizol để tiêm với liều 1ml/15kg thể trọng

4. Ghi nhớ:

Trước khi tẩy, người thực hiện phải đeo khẩu trang, mặc bảo hộ lao động.

Dụng cụ cần thiết như kim tiêm, bơm tiêm, thuốc sát trùng phải đầy đủ.

Bệnh này ở miền núi đồng bào dân tộc thường gọi là bệnh “ khì khao”, có nghĩa là ỉa phân trắng.